Câu chuyện bé trai 13 tuổi ở TP.HCM trốn gia đình đạp xe 200 km về Cần Thơ để thăm bạn gái khiến dân mạng xôn xao những ngày qua. Tuy nhiên, sự thật sau câu chuyện này là gì?
Ngày 7/5, Công an huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cho biết cơ quan Công an đã liên hệ với gia đình và bàn giao cháu T.M.T. (2009, ngụ TP.HCM) an toàn.
T. là cháu bé đi lạc được Công an xã Trường Long phát hiện trong lúc tuần tra vào tối 5/5. Thời điểm trên, Công an xã Trường Long, phát hiện T. mặc áo học sinh chạy xe đạp trong đêm tối nên kiểm tra.
Qua tiếp xúc, T. thừa nhận trước đó đã trốn gia đình và đạp xe từ quận Tân Bình (TP.HCM) với mục đích đến nhà bạn gái SN 2010 ở xã Trường Long, đã quen qua mạng xã hội.
Khi đi, T. không mang theo điện thoại di động, trong người chỉ có 500.000 đồng làm lộ phí.
Dọc đường, T. ăn uống và bơm vá bánh xe nhiều lần nên đã sử dụng hết tiền. Do không có điện thoại nên trên đường đi, cậu bé ghé các cửa hàng Điện máy Xanh và cửa hàng Thế giới Di động sử dụng điện thoại trưng bày đăng nhập Zalo nhờ bạn gửi định vị và theo đó về đến xã Trường Long.
Tổ tuần tra sau đó đã đưa cậu bé về trụ sở công an xã chăm sóc, cho ăn uống, tắm rửa và nghỉ ngơi, đồng thời liên hệ gia đình đến đón con về.
Tuy nhiên, thông tin trên Trí Thức Trẻ, T. đã có những chia sẻ về chuyến phiêu lưu bất ngờ với kênh Youtube Lê Thân Thiện.
Theo lời T., khoảng 17h30 chiều ngày 3/5, em xin mẹ đạp xe đi chơi như mọi ngày.
Khi đi đến đầu Quốc lộ 1, vài người dân thấy T. đạp xe một mình nên đã trình báo công an. T. đươc đưa về trụ sở công an phường tá túc. Sau đó, lực lượng chức năng đã liên hệ với người thân của T. đến đón.
Sau khi mẹ T. xuống đón, gặp mẹ không bao lâu T. đã trốn bỏ đi tiếp xuống hướng Cần Thơ. Đang đi T. gặp trời mưa lớn nên đã tấp vào một quán cà phê ben đường. Chủ quán thấy vậy đã xin một vị khách cho T. quá giang.
T. được đi nhờ quãng xuống Bến xe Cao Lãnh (Đồng Tháp). Từ đây xuống Cần Thơ phải đạp thêm hơn 90km nữa. Lúc đầu T. dắt theo trong người 30 nghìn, về sau cậu bé được một người dân tốt bụng ở dọc đường cho thêm 500 nghìn đồng.
Do điện thoại bị mất từ hôm 30 Tết nên T. nghĩ ra cách vào “xài nhờ” di động ở Điện Máy Xanh và Thế Giới di động. Đến cầu Mỹ Thuận, bé T. phải dắt bộ vì xe tiếp tục bị hư.
“Tới sáng con định đi chuyến xe trung chuyến mà người ta không chở vì nhìn thấy cái xe đạp. Con đành chạy xe tiếp rồi vô Điện máy xanh nhắn cho bạn. Lúc đó có cơm tấm ăn, được chủ quán cơm đó cho con.
Con dắt xe lên cầu Mỹ Thuận ngắm cảnh. Có lúc nửa tiếng, 1 tiếng con ngồi nghỉ cho đỡ mệt rồi chạy tiếp”, cậu bé kể.

Khi còn một quãng đường ngắn nữa thì xuống Phong Điền (Cần Thơ), lúc này trời đã sẩm tối. Cậu bé chưa kịp gặp bạn thì các chiến sĩ Công an xã Trường Long phát hiện và giúp đỡ. Tổ tuần tra đón T. về trụ sở công an xã chăm sóc, cho ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi và liên hệ tới gia đình.
Hé lộ nguyên nhân đạp xe quãng đường dài như thế, T. nói rằng bạn gái tên V. (SN 2010, xã Trường Long, Cần Thơ) từng nhờ T. nạp 160.000 đồng thẻ điện thoại và nói khi nào xuống Cần Thơ chơi sẽ trả lại.
“Con xuống đòi bạn 160.000 đồng. Bạn nhờ mua thẻ giùm rồi bảo xuống đó trả với mời ăn sinh nhật luôn”, T. nói.
Tuy nhiên, kể từ khi xuống Cần Thơ, T. vẫn chưa liên lạc được với V. để lấy lại tiền vì V. bị thu điện thoại.
Câu chuyện của bé T. khiến các bậc phụ huynh vừa buồn cười và cũng vừa thấy thương. Nhiều người còn cho rằng việc một cậu bé 13 tuổi đạp xe gần 200km là quá nguy hiểm, nhất là ở lứa tuổi còn chưa đủ nhận thức, suy nghĩ còn non nớt rất có thể sẽ bị kẻ xấu lợi dụng.
Liên quan đến vụ việc, chia sẻ với Báo Thanh niên, bà Nguyễn Thanh Tình, chuyên gia tư vấn tâm lý (Giám đốc Công ty cổ phần giáo dục Ước Mơ Xanh), nhìn nhận: “Nhìn ở góc độ tâm lý, hành động trốn nhà đạp xe tới 200 km để thăm bạn gái, cho thấy phụ huynh đã không dạy cho cậu bé cách kiềm chế nhu cầu, kiềm chế cảm xúc từ nhỏ. Chẳng hạn lúc nhỏ, con muốn gì là được nấy, thích gì là làm, đòi hỏi là được đáp ứng mà không được phân tích đúng sai.
Hoặc cũng có thể ba mẹ biết chuyện nhưng ngăn cản mà không phân tích, định hướng, con sợ bị cấm đoán nên trốn đi. Dù là nguyên nhân nào thì đó cũng là hậu quả của việc ba mẹ chưa thực sự làm bạn với con, thấu hiểu con để có cách dạy con phù hợp”.
Lời khuyên của chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Tình là khi con bước vào độ tuổi mới lớn, lại hàng ngày tiếp xúc với mạng xã hội, cha mẹ nhất định phải lưu tâm, giám sát, quản lý. Nhưng không phải là bằng nội quy khắt khe, áp đặt mà phải bằng sự chia sẻ, thấu hiểu, yêu thương.
“Cha mẹ phải thường xuyên trò chuyện, gợi mở cho con tâm sự để biết con đang nghĩ gì, làm gì, mong muốn gì, từ đó có những định hướng, điều chỉnh. Nếu không, có thể hậu quả sẽ rất khó lường”, bà Tình chia sẻ.
Xem thêm video đang được quan tâm tại đây:
Song Nhi(Theo Pháp luật và Bạn đọc)